Năm 2024, với sự phát triển của khoa học công nghệ, các thiết bị bay không người lái ra đời và được cải tiến với các tính năng thông minh để ứng dụng trong một loạt các lĩnh vực của đời sống. Thiết bị bay không người lái là một khái niệm không còn xa lạ đã trải qua nhiều biến thể và được gọi bằng những cái tên khác nhau:
UAS: Đây là những chiếc máy bay truyền thống được trang bị hệ thống điều khiển và lái một cách tự động. Chúng xuất hiện từ những năm 1950 và hầu hết dùng để phục vụ công tác chiến đấu. Giá thành loại máy bay này về lâu dài sử dụng được coi là khá rẻ.
Drone: Thiết bị bay không người lái tiếp tục được cải tiến và phát triển thành kiểu mới, có kích thước khá nhỏ và động cơ hoạt động ở mức trung bình hoặc nhỏ và được gọi là Drone. Drone là thuật ngữ được sử dụng khá nhiều trong các ứng dụng thế giới thực trong thời gian gần đây.
Flycam: Biến thế mới nhất của những thiết bị bay không người lái được gọi là flycam. Đây là những chiếc máy bay không người lái drone có lắp thêm camera để quan sát, giúp quay chụp những hình ảnh với góc nhìn từ trên cao.
Sơ đồ cơ cấu tổ chức của Hội KH&CN Hàng không Việt Nam (VAAST)
Hội Khoa học và Công nghệ Hàng không Việt Nam vinh dự có Hội viên cá nhân - TS. Lương Việt Quốc, Giám đốc điều hành (CEO) của Real Time Robotics Inc (RtR), người được tới 8 trường đại học hàng đầu của Mỹ chấp nhận cấp học bổng đào tạo tiến sĩ và cũng là người đầu tiên nhận được giấy phép đầu tư vào Khu công nghệ cao TP. Hồ Chí Minh (SHTP) để mở nhà máy sản xuất Drone tại Việt Nam. TS. Lương Việt Quốc không chỉ sản xuất được máy bay không người lái (drone) “Made in Vietnam”, mà còn xuất khẩu với giá cao sang thị trường Mỹ, nơi công nghệ cạnh tranh khốc liệt nhất.
Ngày 11/11/2023, Hội Khoa học và Công nghệ Hàng không Việt Nam được Liên Hiệp hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam (VUSTA) giao TS. Trần Quang Châu - Chủ tịch VAAST, Trưởng Ban chỉ đạo và TS. Đinh Quang Toàn - Chủ nhiệm nhiệm vụ kiêm Trưởng Ban tổ chức Hội thảo Tư vấn phản biện “Giải pháp ứng dụng công nghệ hàng không vào nông, lâm, ngư nghiệp, kiểm soát giao thông vận tải và an ninh quốc phòng”. Hội thảo đã thu hút hơn 100 Nhà khoa học, nhà quản lý, doanh nhân, chuyên gia trong nước và quốc tế chuyên sâu ứng dụng khoa học và công nghệ Hàng không trong lĩnh vực kinh tế quốc dân và an ninh quốc phòng, qua đó góp phần thúc đẩy ngành Hàng không phát triển gắn với Nông - Lâm - Ngư nghiệp - Giao thông vận tải - An ninh quốc phòng.
Tại Hội thảo, TS. Lương Việt Quốc tham gia bài tham luận với chủ để về Thiết bị công nghệ Drone: “Nâng cao năng lực phát minh Drone của Việt Nam trong xu thế phát triển chung của thế giới”. Đến nay, CEO. Lương Việt Quốc - RtR đã sản xuất từ vài trăm đến 1.000 drone/năm. RtR đang rốt ráo hoàn thành thủ tục xây nhà xưởng trong Khu công nghệ cao TP. Hồ Chí Minh, với nhà xưởng mới, RtR sẽ tăng công suất sản xuất gấp 10 - 20 lần hiện nay. Dự kiến, năm 2024 khi cơ sở sản xuất và các thị trường dần vào guồng, lợi nhuận của RtR sẽ đạt ít nhất 10 triệu USD và tăng trưởng ít nhất 50%/năm. Sau thị trường Mỹ, RtR sẽ mở rộng sang nhiều thị trường quốc tế khác như châu Âu, Nhật Bản, Australia, New Zealand và Ấn Độ.
Hội thảo đã làm tốt tiêu chí kết nối và gắn kết các Nhà khoa học, chuyên gia, doanh nhân để ứng dụng hiệu quả thiết bị bay không người lái vào đời sống - kinh tế - xã hội trong nước và quốc tế, qua đây tạo ra nhiều cơ hội tiềm năng trong năm 2024 để VAAST đồng hành cùng các Hội viên theo sự phát triển chung của ngành hàng không và thiết bị bay UAV nói riêng trong các lĩnh vực:
(1) Quân sự: Thiết bị bay không người lái được sử dụng phổ biến đầu tiên là để đáp ứng các nhu cầu và đòi hỏi của các nhiệm vụ quân sự và sau đó mới được mở rộng sang lĩnh vực dân sự. Những thiết bị bay không người lái có thể giám sát từ trên cao giúp bảo vệ an ninh một cách tối ưu. Trong những vụ tấn công nguy hiểm, thiết bị bay không người lái giúp đảm bảo an toàn cho con người khi có thể thay thế hoàn toàn cho các loại máy bay có người lái. Đồng thời, còn góp phần vào công tác tuần tra biên giới, chống buôn lậu, thu thập thông tin tình báo trong nhiệm vụ bảo vệ an ninh quốc phòng, kiểm tra giám sát vùng trời quốc gia.
(2) Nghiên cứu khoa học: Máy bay không người lái được sử dụng để phục vụ công tác nghiên cứu khoa học, việc thu thập dữ liệu, chụp ảnh phục vụ nghiên cứu trở nên dễ dàng hơn bao giờ hết.
(3) Hỗ trợ cứu nạn, y tế: Thiết bị bay không người lái được sử dụng để hỗ trợ tìm kiếm nạn nhân trong các vùng núi hiểm trở. Máy bay không người lái cung cấp các video thời gian thực về các vụ động đất, hỏa hoạn, lũ lụt khi cần thiết.
(4) Thương mại sản xuất: Trong lĩnh vực thương mại sản xuất, việc vận chuyển, giao nhận hàng hóa trở nên hiện đại và tiện dụng hơn bao giờ hết nhờ có những chiếc máy bay không người lái. Ngoài ra, máy bay không người lái còn giúp con người giám sát các công trình xây dựng cầu đường, nhà máy, nhà cao tầng, hệ thống lưới điện, dầu khí, khảo sát lập bản đồ…
(5) Lĩnh vực nông nghiệp: Trong lĩnh vực nông nghiệp, thiết bị bay không người lái được sử dụng để giám sát sức khỏe cây trồng, phun thuốc, tưới nước, bón phân, gieo hạt.
(6) Giải trí, văn hóa, thể thao: Ngoài các lĩnh vực trên, thiết bị bay không người lái còn được sử dụng trong lĩnh vực giải trí, làm phim, văn hóa, thể thao. Với những thiết bị này, ngày nay việc quay chụp ảnh của những cảnh quay trên không đã không còn là trở ngại, thậm chí những cảnh hiếm cũng có thể dễ dàng ghi lại./.
Ban thư ký VAAST thực hiện./.
BÀI VIẾT ĐÍNH KÈM
1/ Hội thảo VUSTA ngày 11/11/2023: https://hoikhcnhangkhongvn.com/hoi-thao-ung-dung-cong-nghe-hang-khong-vao-kinh-te---xa-hoi-kiem-soat-giao-thong-van-tai-va-an-ninh-quoc-phong
2/ Bài viết Hội viên TS.Lương Việt Quốc: https://dantri.com.vn/ban-doc/nguoi-viet-dau-tien-che-tao-may-bay-khong-nguoi-lai-dua-ra-the-gioi-20240210114201203.htm
3/ Bài viết Hội viên TS. Lương Việt Quốc: https://thanhnien.vn/may-bay-khong-nguoi-lai-cua-viet-nam-lam-ba-chu-bau-troi-185230701201714398.htm?utm_source=coccoc&utm_medium=ccnews